Khác Đọc

Alain về Tê-lê-mặc phiêu lưu ký

Cho người hỏi tôi cuốn sách nào mà học sinh có thể dùng để học đọc trôi chảy, lại còn vượt trên được thứ luân lý rống to ngớ ngẩn, tôi đã trả lời: “Xem Tê-lê-mặc phiêu lưu ký ấy.” Thử nghiệm thì đã làm, và đồng thời tác phẩm nổi tiếng của Fénelon, tôi cũng đã xem xét kỹ hơn; nhìn nhận từ mọi khía cạnh, tôi ngờ chuyện người ta có thể làm tốt hơn. Văn xuôi ấy lành, thuần và quen thuộc, không có sự thắt chặt và chĩa nhọn nơi các nhà văn xuôi của chúng ta, vốn dĩ là thứ chẳng hề hợp với tuổi thơ. Con người, đền đài, chợ búa, lữ hành, phong ba; anh quân và bạo chúa; lập pháp gia, tư tế, chiến binh; hết thảy khôn ngoan thời cổ, hết thảy thế giới Địa Trung Hải từ đó nền văn minh chúng ta chui ra. Không có dấu vết của Ki-tô giáo; ngoại giáo ở đó, trần trụi; Minos là người trừng phạt phường hôn quân. Loài người ấy không bị thiếu gì; đấy chính là hình ảnh chúng ta. Và là không ít quan trọng, đối với một tinh thần trẻ thơ, việc chiêm ngưỡng từ xa một tôn giáo đã qua, thứ không còn cám dỗ người ta tin là có thật, và chỉ còn là vỏ bọc của đạo đức phổ quát. Khi ấy phán xét mang tính suy ngẫm, và hoàn toàn được giải thoát khỏi một dạng nghiêm trọng đưa đến cuồng tín.

Công giáo cũng sẽ đẹp để xem, và đã đẹp ngay khi người ta không còn tin vào nó nữa; nhưng bọn trẻ con chưa tới được đó. Chúng phải yêu nhầm lẫn con người mà chẳng bị mắc vào, và từ đó chúng phải làm thành thơ. Sự hoài nghi đầy duyên dáng và nhẹ để mang vác; cùng là điều mà bọn trẻ con học được trong các truyện cổ; chỉ những truyện hẳn thuộc về các thời cổ xưa hơn; ở chúng đạo đức thì trừu tượng hơn và ít chính trị hơn. Thứ chỉ ngoại giáo mới có, ấy là tôn giáo của xã hội và phẩm trật của các vị thần, cái, bằng một phản ứng không thể tránh, đã chuẩn bị cho tôn giáo siêu hình và thậm chí cả chế độ tích cực của những ý nghĩ chúng ta. Thật tốt khi con người đã đi qua hết mọi thời đại đó. Hãy để ý để thấy rằng không ai có thể đánh giá Công giáo như một khoảnh khắc nếu người đó không biết đến ngoại giáo; cần phải e sợ chuyện cậu học sinh của thời chúng ta bị tước đoạt mất các cái nhìn lớn lao ấy, vốn là thứ giúp ta thoát khỏi chối bỏ, mời chúng ta hiểu.

Về phần bản thân những ý, bạn sẽ tìm thấy chúng trong cuốn sách khiêm tốn này, cũng táo bạo và mới mẻ đúng như bạn có thể mong muốn. Trước hết là chống chiến tranh, “nỗi xấu hổ của nhân loại”, với các lời lẽ mạnh; về những nguyên nhân của mọi cuộc chiến, có các phân tích không xa mức hoàn hảo; ở đó ta khám phá ra trò chơi của những dục vọng đầy tham vọng, luôn luôn cố gắng che giấu bản thân bằng cách viện ra các lợi ích hay sự tất yếu. Những khai triển ấy là của hôm nay và ngày mai; người cha, khi trở về từ cánh đồng hoặc từ nhà máy, sẽ vui vẻ đọc chúng trong cuốn sách của con trai mình. Lật từng trang, và - cả ông nữa - ghé thăm Salente tái sinh, lần nữa ông sẽ tìm thấy, trong hình thức bất biến của nó, giấc mơ cộng sản nơi lúc nào người ta cũng quay về khi cảm thấy ách thống trị của bủn xỉn và tham vọng. Liên Xô đã phân chia các cánh đồng đúng như Idoménée, được Mentor cố vấn, từng muốn làm. Xứ Phi Lai lướt qua trên thế giới nhỏ bé của nông dân và thương gia, và chiếu sáng nó như mặt trời xa vời. Có biết bao dõi nhìn vào trao đổi, thị trường và nguồn tài sản công! Có lẽ còn hơn thế nữa khi chúng dõi vào các vị bộ trưởng, những sủng thần cùng các kẻ nịnh hót. Ở đây, nghệ thuật của cha giải tội được thêm vào khoa học của nhà nhân văn; tuy nhiên, chẳng hề có dấu vết của một nhà mô phạm nơi chủng viện; một nét duyên của trang thiếu niên nằm ẩn trong vị giáo sĩ cao cấp ấy. Nhân tính nơi con người đó đi qua Công giáo như nó đi qua ngoại giáo. Fénelon thuộc vào số những những người dám làm mà không nghi ngờ về đó; và có lẽ trái tim thần bí của ông đã đi vượt qua cả Chúa. Nhưng trong cuốn sách này, ông vẫn là một đứa trẻ, mang tất tật các ý nghĩ của mình về lại tuổi thơ của chúng. Đường vòng này đã dẫn dắt Voltaire, trong các truyện của ông, đi xa hết mức có thể. Đối với tôi, thật rõ rằng Voltaire, khi viết Zadig, nhớ tới Tê-lê-mặc phiêu lưu ký. Có độc giả ưa tài liệu nào muốn có bằng chứng chăng? Vậy thì hẳn sẽ có thêm một vật trang trí nữa cho quyển sách học cũ; nhưng cũng chẳng cần bằng chứng đâu. Chỉ cần đọc cuốn sách thôi.

(trích Alain, Đoản luận về Giáo dục - Propos sur l’Éducation)

Alain, Khương Anh dịch

Tags: Alain Khương Anh