Khác Đọc

Tấm gương: on Lukács

Tâm hồn luôn đi tìm một tấm gương. Nó cần tấm gương để nhận ra chính nó, nhận ra khuôn mặt thất lạc của nó. Con người không thể thực sự viết về ai ngoài chính mình, nhưng ở một số thiên tính, sự viết phải nhận hình thức là cái nhìn vào người khác. Đó là khi “người khác” trở thành một nhân vật, một vụ án. Đó là Flaubert khi viết “Madame Bovary, c’est moi.” Đó là Baudelaire khi bình luận Edgar Allan Poe - thiên tài bị chính đất nước của mình ghẻ lạnh.

Khoảnh khắc của nhận ra bao giờ cũng là phép màu. Đôi mắt chỉ có thể làm tốt nhất sứ mệnh của nó - soi sáng - khi nó tìm ra đối tượng tương thích với cái nhìn của nó. Theo Lukács, lý tưởng là bản tính của đối tượng phải ngược hoàn toàn với bản tính của người quan sát, và chính bởi khoảng cách vô tận giữa hai bên - như trong trường hợp Kassner nhìn vào Shelley, tiểu luận gia mới tạo ra được một nhân vật thực sự sống, một ngôn ngữ chuẩn xác để nói (một cách gián tiếp) về chính mình.


Giống Michelet viết lịch sử Cách mạng, Lukács viết Tâm hồn và Hình thức trong sự tan rã và tầm thường của tinh thần chung: người làm nhiệm vụ phê bình không còn xác tín vào công việc của mình; nghệ thuật, văn chương bị làm rỗng bởi một Ấn tượng luận bị thô tục hóa - đến bi kịch cũng chẳng còn gì ngoài những trạng thái phập phù, những mặc cả ơ hờ với số phận. Nhưng chính bởi mọi thứ đã chạm đáy, thời điểm đã tới cho một khởi đầu. Nhà tiên tri Lukács nhận lấy việc của mình: làm sứ giả tiến vào hoang vu để thuyết giáo về bình minh sẽ đến. Cái nhìn hướng về quá khứ đặc biệt xoáy vào một khởi đầu khác - Lãng mạn (cũng chính là Cách mạng): “mỗi người chịu đựng mọi tra tấn của kẻ bị bỏ mặc trên sa mạc, đói khát văn hóa và sự bầu bạn tinh thần, chịu đựng nỗi đau bi thảm, ngây ngất của một ý thức cá nhân bị kéo căng tới cận kề đứt phựt. Họ cảm thấy con đường mình đi - con đường mà mỗi thế hệ trẻ của nước Đức chỉ vừa bừng thức đã đi trước đó - chẳng dẫn tới đâu ngoài hư vô; và gần như đồng thời, họ thấy khả năng đi từ hư vô tới một điều gì đó.” “Điều gì đó,” sau này sẽ được gọi là một văn hóa mới - và đôi khi, không kém chính xác, một tôn giáo mới - từng chỉ là một khao khát mãnh liệt đến tuyệt vọng và hầu như không thể gọi tên. Tâm hồn đói khát định mệnh, kiếm tìm cuồng loạn biểu đạt chuẩn xác cho cơn khát ấy. Tâm hồn không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào, kể cả thỏa hiệp của Goethe vĩ đại - nhất là thỏa hiệp của Goethe vĩ đại. Tượng đài được dựng lên là để bị kéo đổ, dẫu sự nhất thiết của việc kéo đổ một tượng đài cụ thể thường chỉ là một linh cảm mơ hồ, thậm chí lén lút rụt rè, dẫu kẻ nổi loạn báng bổ chẳng thấy gì ngoài vực thẳm nếu đoạn tuyệt với con đường của tiền nhân.

Nhưng phải đoạn tuyệt.

Lukács nhìn thấy biện chứng thế hệ của thời mình ở Paul Ernst, người - rất lâu trước khi có thể tạo ra tác phẩm của mình - cũng bắt đầu bằng việc nhìn thẳng vào vực thẳm: cự tuyệt nghệ thuật cao nhất của những người cùng thời và tiền nhân.


Nhưng trên tất cả, Tâm hồn và Hình thức là một dấu hiệu của tình yêu.

Giống một người cùng thời - Kafka, một câu hỏi lớn đối với Lukács trẻ là: có lấy vợ hay không? Lukács nhìn vào Kierkegaard - người cũng vật lộn với cùng vấn đề, người - trong ngày cưới của người phụ nữ mình yêu và phản bội, viết vào nhật ký: “Hôm nay tôi thấy một cô gái đẹp; cô ta không làm tôi xúc động mảy may. Không người đàn ông kết hôn nào có thể chung thủy với vợ mình hơn tôi đối với Regine.” Đằng sau tấm mặt nạ kẻ phản bội là thầy tu khổ hạnh và người tình vĩ đại, kẻ tự nguyện đặt người phụ nữ mình yêu ngoài tầm với, để tình yêu trở thành lý tưởng. Nhưng động tác anh hùng ấy, Lukács kết luận, chỉ hoài công. Hy sinh lớn nhất của Kierkegaard cũng không thể chuyển hóa được sự sống thành tất yếu. Và chẳng phải chính Kierkegaard cũng thấy điều đó sao khi viết trong Hoặc - hoặc: “Lấy vợ đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; cứ không lấy vợ đi, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; lấy vợ hay không lấy vợ thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi […] Cứ cười nhạo những điên rồ của thế giới đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; khóc đi, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; cười nhạo những điên rồ của thế giới hay khóc cho chúng thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi.” Không thể không tìm kiếm tất yếu dẫu biết rõ là vô vọng: đó là bi kịch cao nhất của tâm hồn.

Nhưng một tâm hồn thì phải đón lấy bi kịch của mình. Chính trong bi kịch, tâm hồn tìm thấy mình, nhận ra mình. Một trong những điều chuẩn xác và nghiệt ngã nhất Lukács viết là tâm hồn luôn kiếm tìm thẩm phán của nó - một thẩm phán nghiêm khắc đến tàn nhẫn, không ân xá, không xót thương và phải sinh ra từ bên trong chính nó, không được dựa dẫm vào bất kỳ tiêu chuẩn bên ngoài nào. Điều này - gần như không thể giải thích với những ai chưa từng kinh nghiệm - lại rất hiển nhiên với những người đã nhìn thấy, dẫu chỉ trong lóe chớp, sự thật vẫn luôn ở đó mà không được nhận ra. Nhu cầu sâu thẳm của tâm hồn là được (bị) phán xét, được (bị) trừng phạt. Tội và phạt không phải là hiện tượng bên ngoài mà là những sự kiện thiết thân của tâm hồn, là bằng chứng rõ nhất cho một tâm hồn đang tan chảy trong tình yêu. “Con người ý thức về số phận mình và gọi ý thức này là “tội lỗi.” Và bằng cách cảm thấy rằng mọi thứ buộc phải xảy ra với anh ta đều do anh ta tạo ra, anh ta vẽ những công tua chắc chắn quanh tất cả những gì bên trong vô tình lọt vào con sóng những tình cờ tạo nên sự sống mình. Anh ta biến chúng thành tất yếu; anh ta tạo ra các giới hạn quanh mình, tạo ra chính mình.” Trong nhật ký ngày 29 tháng Năm năm 1910, Lukács gọi tiểu luận mà ông viết những dòng này - mang tên “Siêu hình học của bi kịch” - là “tiểu luận Irma.” Irma là người phụ nữ mà ông, cũng giống Kierkegaard, đã yêu và cự tuyệt.


Tiểu luận, trong nhiều ngôn ngữ, có nghĩa là thử - thử xem thế nào. Mọi cú thử luôn chứa nhiều băn khoăn và bất trắc. Băn khoăn lớn của Lukács hai lăm tuổi, đặt ra trong bức thư mở đầu, là băn khoăn về hình thức: liệu những bài viết tập hợp trong cuốn sách có hợp thành một nhất thể không, và điều khiến một tiểu luận là một nhất thể có giống nhau ở mọi tiểu luận không. Cách duy nhất để trả lời câu hỏi này, với chúng ta, là đọc, thực sự đọc. Một cách đọc là nghe - đọc cho đến khi nghe thấy. Mỗi người đọc sẽ tìm được ở đây những gì họ cần phải thấy, còn với riêng tôi, Tâm hồn và Hình thức là một âm nhạc dài - những theme chập chờn chìm xuống nổi lên như những đợt sóng, mỗi lần hiện ra lại được đẩy đến một mức mới, sâu hơn, cao hơn, trong và sáng hơn. Tôi tìm thấy, đôi khi, vọng âm tâm hồn mình trong những vọng âm của nó.

Anh Hoa

Tags: Lukács Anh Hoa