Đang

5-1-2024

Ingeborg Bachmann: Nhật ký chiến tranh

[Sinh năm 1926, Ingeborg Bachmann là một thiếu nữ trong quãng thời gian chiến tranh - Thế chiến thứ hai - và viết nhật ký. Dưới đây là nhật ký ấy; các sự kiện chủ yếu diễn ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Áo - cũng như Đức - nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Đồng minh.]

Nhật ký yêu quý, giờ mình đã an toàn. Mình không cần tới Ba Lan, hay tham gia huấn luyện bazooka nữa. Cha đã ở Vellach(1) và tới Klagenfurt; ông đến để gặp bác sĩ Hasler, người đã khuyên ông nên lập tức cho mình đăng ký vào trường cao đẳng sư phạm, vì đang rất cần giáo viên. Ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất mình cũng không nghĩ có ngày trường cao đẳng sư phạm đáng ghét đó lại trở thành nơi cứu rỗi mình. Mình được nhận ngay lập tức và được xếp vào lớp cuối cấp, thực chất đấy là một khóa học cấp tốc, phải vừa dạy vừa học. Mọi thứ đều suôn sẻ tại văn phòng quận. Điều duy nhất gây khó chịu là nữ cán bộ phụ trách sinh viên nữ thực hiện nghĩa vụ thay thế(2). Mình đã đến hai lần, lần đầu tiên cô ấy không ở đó, mình gần như chẳng nhớ nổi cô ấy, khuôn mặt cô, chỉ nhớ buổi đăng ký khủng khiếp, khi cô ấy bảo mình phải “cư xử đàng hoàng” nếu không sẽ gặp rắc rối dù thành tích tốt đến đâu. Và cái cách cô ấy cất tiếng “cô gái” với âm “i” ngân dài gấp ba. Lần này cô ấy lại định nghiêm khắc lên lớp với mình nhưng mình đã kịp ngăn lại bởi mình biết cần phải giải quyết chuyện đó ra sao nhờ H, và mình nói với cô ấy rằng giờ mình khá chắc bản thân không phù hợp với môi trường đại học và vì thế muốn trở thành giáo viên, thêm nữa điều đó quan trọng hơn cho thời chiến, cho trẻ em, mình nói thêm, và không điều gì có thể khiến cô ấy phản đối. Vấn đề duy nhất mà mình cũng lường được là việc phải ký một biểu mẫu với tuyên bố ràng buộc pháp lý rằng mình từ bỏ quyền học đại học. Mình do dự một lúc rồi ký. Không, mình chắc chắn sẽ không học đại học, không phải ở đất nước này, không phải trong thời chiến như thế này. Thật điên rồ khi do dự dù chỉ một chút. Hôm nay là buổi học đầu tiên. Mình vui sướng khi được ngồi trong lớp học một lần nữa. Nhưng có thể gọi đó là một lớp học không? Mình nghĩ hội con gái trong lớp đều hết sức cuồng tín. Sau bài học đầu tiên có tiếng báo động máy bay và thế là giải tán lớp. Nhưng Wilma, một người bạn cùng lớp cấp ba của bọn mình cũng ở đó. Cậu ấy hành xử giống mình. Cậu ấy không đi cùng mình mà đạp xe về Annabichl, còn mình đang nằm đây ở nơi chốn yêu thích của chúng mình, rìa khu rừng. Issi(3) lại mang cháo ăn từ tiệm dược phẩm đến và bọn mình trộn nó với nước từ dòng suối. Trời nắng. Cô ấy đang ngủ và tắm nắng, báo động đã kéo dài năm tiếng đồng hồ. Vẫn không có bom. Một lúc, có hai máy bay bay thấp và nã vài loạt đạn.

Người Nga đã vào Vienna và có thể đã ở đâu đó tại Styria. Mình đã bàn bạc mọi thứ với Issi. Không dễ dàng. Cô không chắc có thể lấy được gì từ tủ thuốc độc hay không. Bọn mình đều sợ người Nga. Mình từ chối tin hoàn toàn mọi thứ người ta nói, nhưng không ai có thể lường trước họ sẽ làm gì với chúng ta, liệu họ sẽ để chúng ta lại đây hay mang chúng ta tới Siberia. Giờ cần xác định tinh thần cho những điều tồi tệ nhất.

Ngài sẽ làm gì, Chúa, nếu con chết…(4) Mình không còn tới hầm trú bom nữa. Gia đình Tschörner đã chết và Ali cũng ra đi vào ngày hôm sau. Ali của bọn mình. Đường phố không một bóng người. Những ngày ngập tràn ánh nắng. Mình đã mang một chiếc ghế ra vườn và ngồi đọc sách. Mình vẫn sẽ kiên định với việc đọc dù bom có rơi. Cuốn Stundenbuch đã nhăn và nhòe. Đó là niềm an ủi duy nhất. Và Baudelaire! Bientôt nous tomberons [plongerons] dans les froides ténèbres, adieu vive [clarté de nos étés trop courts]. Mình không cần xem trong sách nữa. Hôm qua, đội hình máy bay lớn nhất từng thấy đã đến. Đội hình đầu tiên bay ngang qua, đội thứ hai thả bom. Tiếng gầm rú của máy bay inh ỏi đến mức khiến mình không thở nổi và buộc phải xuống hầm. Thật nực cười khi nghĩ rằng căn hầm nhỏ bé của bọn mình thậm chí không thể chịu được một quả bom nhỏ, huống chi một quả bom nặng 100 kg. Người ta nói tình hình trong thị trấn thật kinh khủng và ngay cả ở đây cũng như tận thế. Mình chẳng sợ nữa, chỉ còn lại phản ứng vật lý mỗi lúc bom rơi, một cơn thắt nghẹn bên trong. Nhưng trong tâm trí, mình đã lập một di chúc. Có lẽ chỉ ngồi và nhìn mặt trời đã là tội lỗi. Nhưng mình không thể chui xuống hầm trú ẩn thêm lần nào nữa, hàng giờ liền, với nước rỉ trên tường và không khí ngột ngạt đến mức khiến người ta ngất xỉu. Không ai được phép nói chuyện vì không đủ không khí, nhưng đám đông câm lặng, uể oải trong đó vẫn thật quá sức chịu nổi. Mình thoáng nghĩ về việc có thể chết chung cùng bọn họ dưới đó, như một bầy gia súc, thật khiếp đảm. Ít nhất thì hãy ở trong vườn. Ít nhất thì hãy ở dưới nắng.

Sáng nay Anderluh nói bọn mình không được rời trường khi có báo động toàn diện nữa. Anh ta cư xử như một kẻ điên. Sáng sớm, anh ta thấy Wilma đeo chuỗi bạc có hình cây thánh giá và giận dữ đến mức suýt ném cô xuống cầu thang. Vào lúc 7 giờ sáng mai tất cả bọn mình phải tới cánh đồng bên ngoài Annabichl để đào hào, “Klagenfurt phải được bảo vệ cho tới người đàn ông cuối cùng và người đàn bà cuối cùng”, anh ta gầm lên. Ngay lập tức mình đã bàn với Wilma về việc phải làm. Cô ấy không thể đi, cô phải chăm sóc em trai và em gái. Họ bị bom dội và bà mẹ đang nằm ở viện nào đó, tình trạng khá nguy cấp. Mình sẽ tự đi kiểm tra tình hình, nếu cần thiết sẽ viện ra vài lý do cho cô ấy. Nhưng Issi, Issi thân mến, đã an ủi mình, bọn mình lại đến rìa khu rừng, và thậm chí còn cười. “Người đàn ông ngụy trang” lại ở đó, loay hoay bò cách chúng mình khoảng hai mươi mét như một con chồn hốt hoảng. Khi những chiếc máy bay thấp bắn phá các đoàn tàu, ông ta cứ thò đầu ra khỏi bụi cây và la hét hoảng loạn, “Nấp đi, các cô! Nấp đi, các cô” - và Issi, lúc đầu suýt nghẹn vì cười, sau đó đã thở hổn hển và nói, “Trời, ông ta được dạy dỗ tốt làm sao!”. Rồi cô ấy kể cho mình những trò đùa mới nhất nghe được từ tiệm dược phẩm và chúng mình ăn khoai tây nguội. Mình cần đề cao cảnh giác vào ngày mai.

Mọi trẻ em đều có mặt để đào hố, nhưng không một giáo viên nào tham gia, kể cả Anderluh. Đương nhiên, các trưởng lớp được giao nhiệm vụ phụ trách, dẫu sao, không ai trong đàn cừu này hiểu được sự kiêu ngạo của những người lẽ ra phải là tấm gương cho bọn mình noi theo.

Mình tức giận đến mức chỉ chọc chọc vào đất cứng bằng cái xẻng, mình không cảm thấy ốm chút nào nhưng khuôn mặt hẳn đã trắng bệch vì sau nửa tiếng, cô gái bên cạnh hỏi: “Cậu có thấy ốm không?”. Mình lẩm bẩm điều gì đó mơ hồ, lúc nào cũng chỉ nghĩ: Thật quá đáng khi họ đối xử với bọn mình như vậy. Những người lớn, những “nhà giáo” hách dịch này, những người muốn bọn mình bị giết. Khi báo động toàn trường vang lên, một vài đứa nhỏ hơn bắt đầu thấy bồn chồn, không có nhà cửa hay hầm trú ẩn trong nhiều dặm xung quanh, và chỉ có những nhà máy gần đó! Không xa, có một túp lều bằng gỗ và một khu vườn trồng rau bị bom dội. Xe đạp mình ở đó và mình bảo rằng mình cần ngồi xuống một lát. Không may cho mình, ngay trước đó, một vài lãnh đạo lớn tuổi hơn của Đoàn Thanh niên Hitler đã đến kiểm tra chiến hào và hét lên “Tiếp tục đào”. Dù vậy, mình vẫn đi khỏi, mình dựa vào cạnh túp lều và bởi không ai có thể thấy rõ nên mình đã nhảy lên xe đạp và phóng đi. Bom bắt đầu rơi khi mình đến Pischeldorferstrasse, mình nằm trong một hố bom cũ trên đồng cỏ và đi tiếp nửa tiếng sau đó, đến nhà Wilma.

Wilma có vẻ đã bình tĩnh lại. Không ai trong bọn mình sẽ đến trường nữa. Dù sao thì không phải tất tật các giáo viên đều biết bọn mình. Anderluh chắc hẳn không hề biết mình và Hasler chắc chắn sẽ không hé nửa lời. Wilma sợ bọn mình có thể bị bắn vì đào ngũ nhưng trong tình trạng hỗn loạn hiện tại, mình nghĩ chẳng ai thèm ngó ngàng tời bọn mình đâu. Mình gói ghém những thứ quan trọng nhất trong hầm. Đến lúc thích hợp, mình sẽ mang chúng theo đến thung lũng Gail. Nhưng hiện tại, mình sẽ ở đây. Mình tìm thấy Liselotte trong một chiếc hộp. Mình mặc cho con bé chiếc váy hồng bèo nhún và giờ con bé đang nằm trên giường cùng mình. Nó không thể nói “Mama” nữa, và mình cũng vậy. Ôi, mẹ ơi, mẹ ơi! Và Heinerle(6), thiên thần nhỏ bé của mình! Không một bức thư. Không gì cả. Không, chẳng ích gì việc nói chuyện với người lớn nữa.

Mọi người sống trong phạm vi mười cây số cách biên giới đều cần có thẻ căn cước. Vellach vẫn nằm trong vùng biên giới. Nếu muốn có thẻ căn cước hoặc đang tìm việc thì phải đến FSS(7). Mình không biết FSS là gì, một số người nói là Cơ quan Mật vụ nhưng tất nhiên là vớ vẩn. Mình đến đó hôm nay và không cần đợi lâu để tới lượt. Có hai người Anh trong văn phòng, một người trông rất xuề xòa, có râu, họ nói anh ta từ Nam Phi đến; người còn lại thì thấp và hơi xấu, đeo kính, nói tiếng Đức lưu loát với giọng Vienna. Anh chàng Nam Phi không nói giỏi lắm, một thứ tiếng Đức bồi. Người nhỏ con hơn yêu cầu mình điền vào các biểu mẫu, sau đó anh ta nhìn mình và nói, “Ồ, cô đã tốt nghiệp Matura(8) rồi”. Mình đoán anh ta ngạc nhiên vì tất tật những cô gái khác đều là con nhà nông dân. Rồi anh ta nói: “BdM(9), dĩ nhiên rồi”. Bỗng mình thấy khá tệ và không nói lời nào, chỉ gật đầu. Tất nhiên mình có thể nói với anh ta rằng có lẽ mình không còn nằm trong bất kỳ danh sách nào nữa, vì mình đã không chuyển trường lúc mười bốn tuổi và cũng không bao giờ tuyên thệ, và sau đó cũng không bao giờ bị lôi vào các cuộc họp hay tham gia bất kỳ hoạt động nào. Nhưng mình không biết mình có vấn đề gì. Ngoài ra, mình nghĩ có lẽ mọi người đều nói với anh ta rằng họ không phải thành viên và chỉ bị ép phải tham gia, rồi mình lập tức nghĩ rằng anh ta sẽ chẳng tin lời nào mình nói. Cuối cùng anh ta bảo: “Hãy nghĩ thật kỹ xem có phải cô là một lãnh đạo không. Nếu đúng là thế thì chúng tôi sẽ tìm ra đấy”. Mình cố gắng lắp bắp, “Không”. Nhưng mình nghĩ mặt mình đã đỏ bừng và bởi tuyệt vọng nên nó càng đỏ hơn nữa. Hết sức đơn giản, mình không hiểu sao người ta lại đỏ mặt và run rẩy khi nói sự thật.

Hôm qua mình đi hỏi về thẻ căn cước của mình. Chỉ có anh chàng Nam Phi ở đó; phải mất vài ngày nữa mới nhận được thẻ. Gần cửa hàng rau quả, dưới văn phòng Hội đồng Quận, anh chàng kia bất ngờ xuống xe đạp. Anh ta vẫn nhớ tên mình và thái độ khác hẳn, không còn giễu cợt, thậm chí có vẻ bối rối. Anh ta tên là Jack Hamesh. Mình cũng khá bối rối. Anh ta hỏi mình sống ở đâu tại Vellach và đi cùng đến tận cầu. Mình không biết tại sao anh ta muốn nói chuyện với mình. Anh ta hỏi xem bác Christl có quan hệ gì với mình không và tất nhiên mình bảo có, đồng thời nói thêm rằng hầu hết mọi người mang họ B. đều có quan hệ với bọn mình. Tại sao bác Christl bị đưa vào trại giam khi những người họ G. và M. mới là những tên Quốc xã cuồng tín nhất, mình không biết; mọi người đều nghĩ người họ G. đứng sau chuyện này, trong làng bọn họ luôn kèn cựa với nhà mình và giờ nói chung ai cũng tố cáo lẫn nhau, đặc biệt là bọn Quốc xã vì chúng nghĩ rằng làm như thế có thể thoát tội. Tất nhiên, mình không hé răng một lời về những gì đang nghĩ, mình chắc chắn anh ta sẽ không hiểu và dù sao, mình chẳng thể biết anh ta muốn gì từ mình.

11 tháng Sáu

Liesl phải lòng một người đàn ông Anh, anh ta cao gầy kinh khủng và tên là Bob. Cô ấy nói anh ta rất giàu có và từng học ở Oxford. Cô ấy chẳng thể ngừng nói về anh ta. Hôm qua cô ấy nói ước mơ duy nhất của cô là rời khỏi đây và đến Anh. Mình nghĩ cô ấy hy vọng anh ta sẽ cưới cô. Nhưng hôn nhân giữa phụ nữ Áo và đàn ông Anh bị chính phủ quân sự cấm. Cô ấy bảo cái cảnh tồi tệ ở đây sẽ chẳng bao giờ chấm dứt và cô đã trải qua quá đủ, cô không thể chịu đựng thêm nữa và cô muốn có một cuộc sống đúng nghĩa. Mình rất hiểu nhưng sau đó có chút khó chịu khi cô ấy nghĩ rằng mình cũng nên lấy một người đàn ông Anh rồi thoát khỏi đây. Dĩ nhiên mình muốn đi, nhưng để học đại học chứ không hề có ý định kết hôn, ngay cả với một người Anh chỉ vì vài lon thức ăn và đôi tất lụa. Hầu hết người Anh ở đây đều rất tốt và mình tin rằng họ tử tế. Nhưng mình còn quá trẻ, Arthur và Bill rất dễ mến và bọn mình thường nói chuyện rất nhiều, cũng cười đùa với nhau rất nhiều. Bọn mình thường chơi trò “Thả chiếc khăn tay” hay “Tượng” trong vườn. Arthur thường đem sô cô la cho Heinerle bé bỏng và vài ngày trước, cậu ấy bất ngờ đến chỗ mẹ, bà vẫn đang nằm liệt giường, rồi đặt ít trà và bánh quy lên chăn cho bà. Mẹ gọi anh là “Đầu cà rốt” vì anh có mái tóc đỏ và bà cưng anh nhất. Mình nghĩ anh ấy cũng mê Liesl, Bill cũng vậy, thậm chí còn nhiều hơn, và Arthur thì cực kỳ ghen tị với Bob. Bob khá khó gần, chúng mình từng nói chyện đôi ba câu nhưng không bao giờ nói gì thêm nữa, kể cả khi mình cảm ơn anh ấy đã cho Liesl mượn xe để đưa mẹ cô về từ bệnh viện.

14 tháng Sáu

Tâm trí mình vẫn đang quay cuồng. Jack Hamesh đã đến đây, lần này anh ấy đi xe jeep. Tất nhiên, cả làng đều nhìn chằm chằm và bà S. đã băng qua dòng suối hai lần để liếc vào khu vườn. Mình dẫn anh ấy ra vườn vì mẹ đang nằm trên giường ở tầng trên. Chúng mình ngồi trên băng ghế và lúc đầu mình run đến mức anh ấy hẳn nghĩ rằng mình phát khùng hoặc đang cắn rứt lương tâm hoặc một điều gì khác có Chúa mới biết. Và mình không hiểu tại sao. Mình không nhớ bọn mình đã nói gì lúc đầu nhưng đột nhiên bọn mình chuyển sang chủ đề sách, Thomas Mann, Stefan Zweig, Schnitzler và Hofmannsthal. Mình rất vui, anh ấy biết tất cả và nói với mình rằng anh chưa bao giờ nghĩ sẽ tìm thấy một cô gái trẻ ở Áo từng đọc hết những thứ đó dù được nuôi dạy trong thời kỳ Đức Quốc xã. Và đột nhiên mọi thứ khác hẳn và mình đã kể cho anh ấy nghe về những cuốn sách. Anh ấy nói rằng anh được đưa đến Anh trên một chuyến tàu di tản với những đứa trẻ Do Thái khác vào năm 1938, thật ra lúc đó anh đã mười tám nhưng một người chú đã thu xếp được, cha mẹ anh thì đã qua đời. Giờ mình mới hiểu tại sao anh lại nói tiếng Đức giỏi như thế, sau đó anh tham gia quân đội Anh và bây giờ ở các khu vực chiếm đóng có rất nhiều người Đức và Áo cũ làm việc trong các văn phòng FSS, vì ngôn ngữ và vì họ biết điều kiện trong nước tốt hơn. Bọn mình nói chuyện cho đến tận tối và anh đã hôn tay mình trước lúc rời đi. Chưa từng có ai hôn lên tay mình trước đây. Mình hạnh phúc đến phát điên và sau khi anh rời đi, mình trèo lên cây táo, trời đã tối và mình khóc đến cạn nước mắt rồi nghĩ rằng sẽ không bao giờ muốn rửa tay lần nữa.

Jack đến đây hằng ngày và cả đời mình chưa bao giờ nói nhiều đến thế. Bây giờ anh luôn luôn mang theo sách. Anh không thực sự thích thơ. Chủ yếu bọn mình nói về triết học và lịch sử. Anh ấy rất giỏi giải thích mọi thứ và mình không còn ngại ngùng trước anh nữa, mình luôn hỏi anh khi có điều gì chưa biết. Hiện tại, bọn mình đang tìm hiểu về Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản (tất nhiên, nếu mẹ nghe thấy từ “Chủ nghĩa cộng sản” hẳn bà sẽ ngất xỉu!), nhưng bạn phải biết chính xác mọi thứ và nghiên cứu nó. Mình đang đọc Tư bản của Marx và một cuốn sách của Adler(10). Mình nói với Jack rằng mình muốn học triết học, anh ấy quan tâm và đồng ý đó là điều đúng đắn. Mình chỉ giữ kín về những bài thơ của mình.

Liesl mượn giày mình, vì Bob. Đôi khi mình cũng sẵn lòng cho mượn, nhưng giờ cô ấy mang suốt và mình phải đi lại trong đôi dép lê cũ, ngay cả khi Jack ở đây. Mẹ cũng thấy cô ấy rất thiếu ý tứ. Jack thì thấy cô ấy rất thông minh và thỉnh thoảng cô ấy ghé qua, nếu có thời gian, thì sau đó bọn mình thường cười đùa rất nhiều, anh rất quý cô ấy, tất nhiên ai cũng vậy, nhưng mình không bận tâm đâu. Chẳng thể nói chuyện đàng hoàng với cô ấy lúc này, đầu óc cô ấy đang lơ lửng trên mây. Mình bắt đầu nghi ngờ không biết cô ấy có thể trở thành một bác sĩ giỏi không, nhảy múa, giao lưu và tán tỉnh với cô ấy quan trọng hơn. Cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Mình nghĩ cha cô ấy cũng lo lắng. Bob tặng cô một chiếc xe nên bây giờ cô có hai chiếc, một chiếc xe chính thức của Hội Chữ thập đỏ và một chiếc xe của riêng mình, và Bill, ngày càng trở nên sầu muộn, chạy xe khắp nơi cho cô ấy. Anh ta thật ngốc nghếch và tốt bụng.

Mọi việc là vậy đó. Tất cả đều bàn tán về mình, dĩ nhiên bao gồm cả người thân. “Con bé ấy đang đi chơi với một tên Do Thái”. Và dĩ nhiên mẹ cũng khá lo lắng vì những lời đồn đại, bà chỉ không thể hiểu nổi tất cả điều đó có ý nghĩa gì với mình! Vì bà cứ quanh co mãi nên hôm nay mình đã chủ động đề cập tới chủ đề, khi mẹ và mình đang nấu ăn, mình nói với bà ấy rằng chưa bao giờ có điều gì được nói giữa chúng mình mà người khác không nghe được, chính bà ấy cũng biết thế, bà cảm nhận nó rõ hơn bất cứ ai. Rốt cuộc mẹ cũng hiểu mình! Nhưng đó không phải là lý do, vấn đề là cái vế “với một tên Do Thái”. Và mình nói với bà rằng mình sẽ đi dạo khắp Vellach và Hermagor gấp mười lần nữa cùng anh ấy, ngay cả khi mọi người đều khó chịu, đặc biệt là lúc này.

Đây là mùa hè đẹp nhất trong đời mình, và kể cả khi sống đến trăm tuổi, nó vẫn sẽ là mùa xuân và mùa hè đẹp nhất. Nhiều người nói rằng chúng ta chưa thấy rõ ràng dấu hiệu của hòa bình, nhưng với mình, đây chính là hòa bình, hòa bình! Mọi người đều ngu ngốc khủng khiếp; sao họ lại mong đợi rằng sau một thảm họa như vậy, một vùng đất tràn ngập sữa và mật ong sẽ bừng dậy chỉ sau một đêm! Hay họ cho rằng người Anh chẳng nghĩ gì khác ngoài việc biến cuộc sống của chúng ta thành thiên đường? Chúa ơi, chỉ cách đây vài tháng ai có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ sống sót! Mỗi ngày mình đều một mình lên Goria để mơ mộng, để có những giấc mơ tuyệt vời! Mình sẽ học tập, làm việc, viết! Mình đang sống, mình đang sống! Ôi Chúa ơi, được tự do và được sống, ngay cả khi không có giày, không có thức ăn, không có tất, không, không, đây là một khoảng thời gian quá tuyệt vời!

Bọn mình không còn nói về cha nữa. Mình không nói vì mẹ và bà không nói vì bọn mình. Nếu ông thực sự ở Praha… Jack nói rằng quân Mỹ và Anh đã thả rất nhiều tù nhân, nhưng tất nhiên họ không biết người Nga đang làm gì. Về cơ bản bọn mình không biết gì cả. Tin đồn về cướp bóc và hãm hiếp từ Vienna, thật khủng khiếp. Liệu mình có thể đến Vienna được không? Khi nào? Và bằng cách nào? Mình không thể cứ ở đây mãi, chờ đợi và chờ đợi. Nếu các trường đại học không sớm mở cửa, mình sẽ phải tìm việc làm. Có lẽ là với người Anh, như thế thì mới có gì đó để ăn. Thức ăn ngày càng khan hiếm. Hôm qua bọn mình được phát một khẩu phần thịt ngựa và hai trong ba hộp đã hỏng. Chỉ tại dì Rose! Ít nhất thì bọn mình cũng có sữa cho Heinerle, mặc dù bây giờ thằng bé vẫn trông chẳng khác gì bộ xương di động, mình không hiểu tại sao, vì mọi người đã làm mọi thứ có thể cho thằng bé.

Thanh Nghi dịch

  1. Nằm ở thung lũng Gail thuộc Nam Carinthia, cách thủ phủ Klagenfurt khoảng 80 km.
  2. Hoàn thành “Nghĩa vụ vụ Lao động Quốc gia” là điều kiện tiên quyết để được vào học đại học; bất kỳ ai “không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ lao động” đều phải thực hiện “Nghĩa vụ Thay thế sinh viên”, đó là lý do tại sao bà phải trình báo với viên chức này.
  3. Một người bạn học, khác với chị gái Isi (Isolde) của Bachmann.
  4. Dòng đầu tiên của một trong những bài thơ trong Das Stundenbuch của Rainer Maria Rilke.
  5. Con chó của người hàng xóm.
  6. Người em trai Heinz nhỏ hơn Bachmann rất nhiều, mới chỉ sáu tuổi vào thời điểm đó.
  7. Viết tắt của “Field Security Section” (An ninh hiện trường).
  8. Kỳ thi tốt nghiệp cấp ba cũng là điều kiện để vào đại học.
  9. Bund Deutscher Mädel (Liên đoàn Nữ Thanh niên Đức). Một tổ chức dành cho trẻ em gái của Đức Quốc xã; việc gia nhập tổ chức là không bắt buộc cho đến năm 1939, nhưng là “điều mong đợi” đối với trẻ em Aryan. Trước mười bốn tuổi, các bé gái tham gia Jungmädelbund (Liên đoàn Thiếu nữ Trẻ); sau đó chuyển sang BdM chính thức; họ được tuyên thệ trong một buổi lễ được phát sóng toàn quốc vào ngày sinh nhật của Hitler.
  10. Thật khó để xác định xem họ đã đọc Victor Adler, người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Áo, từng trao đổi thư từ với Engels, hay Alfred Adler, nhà phân tâm học và là học trò của Freud, người thậm chí còn có vai trò quan trọng đối với phong trào lao động Áo hơn Freud, hay - rất có thể - là Max Adler (1873-1937), người, trong các tác phẩm lý luận và hoạt động tổ chức, đã cố gắng duy trì khả năng lựa chọn một con đường thay thế cho chủ nghĩa Stalin.

Tags: Bachmann Thanh Nghi