Đang

10-8-2023

Sống tiếp

          Một đánh giá đã bị đóng đinh vào Henry James: một văn chương không tầm thường nhưng không vươn được đến độ cao bi kịch, một “sự cao quý rụt rè” (như E. M. Forster nói trong Các khía cạnh của tiểu thuyết - XBK sắp in). Một đánh giá khác, còn tức cười hơn: một văn chương khó đọc, màu mè, “làm quá” - như ngôn ngữ bourgeois ngày nay sẽ gọi. Nhưng cách một thế kỷ, dường như đã đủ thời độ để tầm vóc của văn chương ấy hiện ra: “Henry James là độc nhất trong lịch sử tiểu thuyết, giống như Shakespeare là độc nhất trong lịch sử thơ” (đây là nhận định của Graham Greene, một nhân vật mà chúng ta sẽ sớm gọi đến).

          Thời James, cái bóng của cách mạng kể như đã xong. Không còn, như trong Balzac hay Michelet, cảm giác bơ vơ của một thế hệ thừa nhiệt năng cao quý nhưng chỉ có thể đánh đĩ mình trong những vinh quang cùng mạt. Thời James, nỗi đói cái siêu vượt đã được chấp nhận, và sự chấp nhận ấy mang hình hài một cuộc thí nghiệm dài. “Tự nhiên” không còn là thiên đường đã từng và đã mất, không còn là chân trời giả định của con đường quay về với bản tính mà là lời thỉnh du ma quái của cuộc thả trôi mình vĩnh viễn vào cái bất khả tri. Khi những khả thể cao vời của siêu vượt đã mất, khi Chúa đã đi, con người chỉ còn lại hoang vu bất tận của tâm lý học, của cái nhìn vui tươi buồn bã vào vực thẳm bên trong [cf: Lukacs trong Tâm hồn và hình thức, chương về Kierkegaard].

          Một cách để nhìn Henry James là thông qua câu chuyện gia đình: James khuôn mình như thế nào trong bóng ông bố cũng tên Henry, trong đối sánh với ông anh William lừng lẫy? Bởi vì cần phải xử lý di sản của ông bố, một nhân vật rất nhiều tính chất William Blake, một tinh thần tôn giáo được mở lối bởi Swedenborg và dành cả cuộc đời trên đường, viết những cuốn sách thần học không ai đọc.
          Ông anh William, một triết gia nhưng luôn gọi mình là nhà tâm lý học, tìm cách dịch kinh nghiệm siêu vượt sang vùng của thứ ngôn ngữ khoa học tưởng chừng đã loại trừ từ trước mọi khả thể siêu vượt. Nỗ lực này kết tinh trong The Varieties of Religious Experience - có thể được đọc như một khảo sát các câu chuyện hoang đường về ecstay, một dự đồ kể ra thì không quá khác những gì Casaubon (Middlemarch) cố làm với bộ Thần thoại toát yếu.
          Ông em Henry cũng tìm siêu vượt, nhưng không phải trong các hình tượng thánh mà trong toàn bộ sự tầm thường vớ vẩn của cái sống con người, không phải trong những lóe chớp sốt bừng của khải ngộ mà trong sự chịu đựng đờ đẫn lúc nào cũng mù mờ về chính nó. Kết tinh của cuộc tìm kiếm này là sự mơ hồ tuyệt đối trong Ban thờ Người Chết: một duet (hoặc duel) dài và căng đến độ trong suốt với toàn bộ thế giới; thậm chí hai người chơi cũng không chắc là “có gì” đang thực sự diễn ra hay không và còn không biết luật chơi thế nào (phải làm gì, phần thưởng hay hình phạt là gì, đâu là bắt đầu và kết thúc). Một điều chắc chắn: tất cả đều được phép, đều có thể, về nguyên tắc. Một điều khác còn chắc chắn hơn: chỉ một nốt sai, một nhịp lệch, toàn bộ âm nhạc sẽ tan biến như chưa bao giờ tồn tại, tất cả sẽ trở thành một hiểu lầm bẽ bàng hơn bất cứ điều gì từng có trên đời.

[Q]uá khứ dường như bị rút kiệt để chỉ còn là một sự đánh cược khô cằn. Tất cả bị đơn giản hóa đến kiệt cùng, chẳng để lại gì ngoài một triền miên chờ đợi. Sự chờ đợi ấy neo lại được cũng chỉ nhờ lửng lơ trên vực thẳm rợn ngợp bao quanh nó. Đến cả nỗi sợ nguyên ủy của anh, nếu đúng là anh sợ, cũng đã mất tăm trong sa mạc vô cùng.

Có thể là tất cả, nhưng cũng có thể là chẳng có gì. Và chính sự “có thể” ấy là hãi hùng lớn nhất, điều đáng sợ nhất của sống. Không khó để hiểu vì sao James rất mỉa mai những hình tượng rùng rợn trong thế giới Baudelaire hay cả Poe, những tinh thần xét ra rất gần gũi với mình. Đó là trò dọa trẻ con, James nói. Hãi hùng đâu phải là như thế. Hãi hùng đích thực là mọi thứ diễn ra đúng như dự liệu. Hãi hùng đích thực là không thể thoát khỏi chính mình. Chẳng có gì cứu rỗi về khoảnh khắc khải ngộ đâu, James nói đằng sau các nhân vật của mình: bởi vì sau đó - sau khi nhìn ra - người ta vẫn phải sống tiếp. “Tôi không biết tại sao chúng ta phải chịu đựng nhiều thế. Có lẽ tôi sẽ biết,” Ralph Touchett nói trong hấp hối - nói mà không thực sự tin tưởng. Nếu cái chết không phải là kết thúc - nếu thực sự có điều gì đó tiếp tục sau cánh cửa thì chỉ có thể là thêm chịu đựng mà thôi.
          Vấn đề không phải là phải chết và được sống. Vấn đề, ở thời James, đã trở thành phải sống và được chết. Khi nào thì được chết? Khi đã nhìn xong.
          Chính đây là điều khiến văn chương James thường bị than là khó đọc. Các nhân vật của thế giới James - trong sự chuyên nhất của dục vọng nhìn - trông thật què quặt so với con người như ta biết. Tất cả họ đều bị ám bởi câu hỏi lớn về cái bất khả tri, bởi vực thẳm trong người khác và cả chính mình. Họ không đi tu diệt dục; họ sống trong đời - cũng sung sướng khổ sở như tất cả mọi người - nhưng những sự vị ấy đều quá phất phơ so với cuộc chờ định mệnh. Họ muốn thành công, muốn hạnh phúc, nhưng những cái muốn ấy chẳng là gì so với muốn nhìn. Lúc hăng hái, lúc lờ đờ, họ đem cả mình và người khác ra làm thí nghiệm. Họ biến mình thành sóng và dùng toàn bộ mình làm đê chắn sóng. Họ dùng vô biên để do thám vô biên.
          Kết quả là ta thường có cảm giác con người mất hút trong thế giới James. Ta thấy một nhà thờ hùng vĩ, “tất cả ánh sáng và lối đi chỉ tập trung vào ban thờ trên cao. Và trên ban thờ ấy, được đặt một cách tôn kính, đầy nhiệt thành ở đó, là một con mèo chết, một cái vỏ trứng, một đoạn dây thừng…” (bình luận của Forster) nhưng tuyệt không thể có gì nghiêm túc: không gì có thể gây sao nhãng khỏi tư thế chờ đợi.
          Cái khó không phải là tìm ý nghĩa của cuộc đời. Cái khó nằm ở chỗ, lúc đã tìm được rồi, chấp nhận cái đã tìm được đúng như là thế: đúng là nó, chỉ có nó.

          Đây là điều gây khó chịu nhất ở James. Cả trong những bình luận nhiều thiện cảm nhất, James vẫn thường bị chỉ trích là quá dửng dưng trước con người. Nhưng có thực là vậy không? Sự chờ đợi và chịu đựng không giới hạn ở thế giới James trông rất giống nhưng lại cách xa vô cùng một thứ như Huyền thoại Sisyphe của Camus về sau. Đó vẫn là một thế giới đặt lòng tin vào nghĩa, vào trật tự, vào hy vọng - dẫu đã chấp nhận rằng hy vọng ấy không dành cho con người.
          Người nhìn đem tất cả ra làm thí nghiệm - để nhìn, và đến khi mọi thứ thực sự diễn ra đúng như dự đồ thì đau khổ vì trò chơi tai ác của mình - đau khổ nhưng không hối hận:

Nàng nhầm lẫn, phải, nhưng nàng tin; nàng bị lừa dối, nhưng nàng kiên định một cách đáng kinh ngạc. Thật đúng là Isabel khi, sau khi dựng ra cả một lý thuyết chói sáng về Gilbert Osmond, lại khẳng định rằng nàng yêu anh ta không phải vì những gì anh ta có mà vì chính cái nghèo của anh ta. Ralph nhớ lại những gì mình đã nói với cha về việc tạo điều kiện cho nàng thỏa mãn mọi đòi hỏi của tưởng tượng. Anh đã làm đúng như thế, và nàng đã tận dụng tối đa sự xa xỉ này. Ralph thấy buồn nôn, chán chường và nhục nhã. […] Isabel dừng bước, hướng về anh vẻ mặt hân hoan - hoàn toàn là biểu hiện của lòng biết ơn ngoan cố. Sự phản đối của anh đã đẩy nàng đến được một ý thức rõ ràng hơn về hành động của mình.

          Hệ quả của điều này tất nhiên là sự bối rối với người khác và với cả chính James. James luân lý gia thường xuyên bất lực trước James nhà thí nghiệm. Trong Các khía cạnh của tiểu thuyết, E. M. Forster đã thuật lại một episode tréo ngoe giữa James và H. G. Wells, một trong các fan boy đời đầu của James. Wells viết một tiểu thuyết tên Boon, theo đúng (những gì Wells cho là) tinh thần James: cũng thiếu nghiêm túc như thế, cũng sắc sảo đến dửng dưng như thế. James, thất kinh khi bị gí trước mặt mình một tấm gương quá méo mó (hay quá chân thực?), thư lại cho Wells phân trần rằng dù có thế nào thì tôi cũng không thể là Boon - cái kẻ coi văn chương thuần là trò nghịch chẳng liên quan gì đến cuộc đời, chỉ cần vui là thích.
          Nhưng không ở đâu James hăng hái phân trần như ở các preface cho tiểu thuyết - rất nhiều và rất dài. Đặt cạnh truyện, chúng như của một người khác viết ra - một người nắm các chi tiết truyện tới chân tơ kẽ tóc nhưng hoàn toàn không chấp nhận thái độ dửng dưng trước số phận con người của người viết truyện. Giống một nhân vật cũng rất gây khó chịu sau này, Thomas Bernhard, James khiến người ta không thể hiểu rốt cuộc thì ông nghĩ gì về các nhân vật của mình, nhất là các nhân vật mà trong preface, James hay xếp rất gọn vào hàng “phản diện”. Thực tế thì ở James chẳng có nhân vật nào thực sự phản diện. Dưới ánh sáng sắc lạnh của phân tích, tất cả đều chỉ như các hiện hình khác nhau, các mảnh khác nhau bắn ra từ cùng một cơn lốc: dục vọng nhìn và thí nghiệm.
          Ở một số nhân vật, vẻ biến hóa là một thủ đoạn cố tình, những đổi màu liên tục của tắc kè hoa (thực ra rất thấp kém và rất dễ). Nhưng James không cần trò thao túng tâm lý đầy bất an ấy. Chỉ cần ngồi im, James đã gây cảm giác không sao nắm bắt được: lúc nào cũng ở đó nhưng lúc nào cũng như trượt khỏi đó. Bất cứ từ nào để tả James, nhân vật James, thế giới James đều gợi ngay đối cực của nó khi nó còn chưa kịp bật khỏi môi.

          Vẻ thiếu nghiêm túc bất biến chỉ là ngụy trang của một tồn tại vô cùng khó, mà Amiel hẳn sẽ gọi là l’insoutenable légèreté de l’être. Luôn có cảm giác các nhân vật James quá nhẹ, gần như không gắn gì vào các dây mối thông thường của thế giới. Nhưng cũng chính các nhân vật ấy thường trực sống trong một nỗi hãi hùng hẳn có thể đẩy kẻ khác vào tê đờ bất lực - paralysis, impuissance, impotence:

Anh không làm kinh động kẻ khác bằng cách bảo cho họ rằng họ đang tiếp xúc với một người bị ám, dù có những lúc anh chỉ muốn nói toạc ra sự thật - nhất là những khi phải nghe họ lảm nhảm về sự “chênh vênh” của mình. Nếu họ chỉ một lần chênh vênh, chóng mặt như anh - người cả đời chưa được một giờ nào yên ổn - họ sẽ phải biết. Nhưng việc của anh không phải là dí đầu họ vào vực thẳm, và anh tiếp tục lịch sự nghe họ nói lăng nhăng.

James không bao giờ thấy cần phải kể về nguồn gốc nỗi ám này ở các nhân vật - để làm gì? Nhưng trong một hồi ức nhiều tính chất giả tưởng về mình, James có kể lại một khoảnh khắc mà sau đó “không gì còn như trước” dẫu vẻ ngoài vẫn vậy:

Một tối tôi vào phòng thay đồ để lấy thứ gì ở đó, và đột nhiên ập lên tôi, không chút cảnh báo, như thể nhảy ra từ bóng tối, một nỗi sợ kinh hoàng thuộc về sâu thẳm tồn tại. Đồng thời hiện ra trong tôi hình ảnh một bệnh nhân động kinh tôi từng thấy ở nhà thương điên: một người trẻ tuổi tóc đen, da xanh lướt, hoàn toàn ngây độn, cả ngày ngồi đờ đẫn trên ghế băng hay dựa vào tường, đầu gối co lên chống cằm, cái áo lót màu xám xù xì trùm kín người… Hình ảnh ấy, nỗi sợ ấy quấn lấy nhau. Tôi cảm thấy đó chính là tôi, là một khả thể của tôi. Tôi chẳng có gì để tự bảo vệ mình trước số phận ấy, nếu một ngày kia nó đến với tôi, đúng như đã đến với anh ta.

Có thể kể đây là một trong các khoảnh khắc khai mở của vũ trụ James - một sự hãi hùng bất động đằng sau bao nhiêu vẻ phong phú bề ngoài. Cái nhìn chuẩn xác hơn cả về James sau này cũng đến từ một người đặc biệt đờ đẫn dẫu hành trạng trông như vô cùng sôi nổi. Gạt đi mọi miêu tả James như một con tắc kè hoa, một tiểu thuyết gia xã hội và phong tục miệt mài triển khai chủ đề thế giới, Graham Greene nói chưa từng có nhà văn nhà nào chuyên nhất với một vấn đề đạo đức như James. “Còn International Theme? Cái đó chẳng đáng gì. Nó bốc hơi khỏi những tác phẩm trong suốt nhất của ông ta.”
          Greene vẽ James “ngồi thu lu ở đó - ông già đáng kính của Lamb House - nghe tiếng chân vô thanh của những tay theo vết và nạn nhân của chúng trên hè phố”.
          Đây cũng là Greene vẽ chính mình: đờ đẫn nằm bên bàn thuốc phiện ngay chính tâm cơn lốc lịch sử, nghe những âm mưu, tình yêu và phản trắc bốc lên rồi nổ vụn bên ngoài.

          Nếu có điều gì thực sự “quốc tế” ở James thì nó không nằm ở bề mặt chủ đề mà ở vai trò của James trong lịch sử văn chương, ở vai trò một đường nối hai truyền thống, hai lục địa. Một người nhìn thấy quá nhiều như James thấy vô cùng khó ở với tinh thần Puritan nước Mỹ, (cf: Những người châu Âu) - một tinh thần quá nặng nề, quá nhiều ngây thơ. Nước Mỹ cũng chẳng thể chịu nổi James, và giống Poe, James ghi tên mình vào danh sách các tinh thần được nước Pháp phát hiện và giữ lại cho sau này.
          Nhưng chính James cũng thường xuyên chỉ trích truyền thống Pháp là quá nhẹ, quá bông lông. Bình luận Flaubert, James phàn nàn là Flaubert không đủ nghiêm túc. “Đáng ra ông ấy phải lắng nghe trong căn buồng của tâm hồn thay vì chỉ biết quanh quẩn ở cửa phù hoa. Như thế, ông ấy có thể thả mình vào một con sóng sâu thẳm hơn - ít nhất là có thể xoa dịu thần kinh lúc nào cũng sốt bừng của ông ấy.” Nhưng James cho lời khuyên về việc xoa dịu thần kinh ư? James - người mà toàn bộ vũ trụ sinh ra từ hình dung về khả thể con người như một khối hãi hùng run rẩy? Irony còn lớn hơn nữa khi chính những than phiền này sẽ được hậu thế quẳng vào James. Nhưng hiểu lầm, vu khống - đó là vinh quang mà chỉ những tinh thần quá cỡ mới được nhận. Đủ thời độ, James đã trở về. Nước Pháp có công phát hiện ra James, còn hai nhân vật sẽ trả lại James về đúng chỗ của mình trong dòng văn chương đặc biệt nhiều tinh thần đạo đức và tôn giáo - bằng cách tiếp tục chính tinh thần ấy, không để nó biến mất - thuộc về truyền thống Anglophone: Graham Greene và Joseph Conrad.

          Giờ thì đã có thể quay lại với câu chuyện Henry vs. William để nói rằng trong hai anh em, Henry - kẻ luôn bị chỉ trích là thiếu nghiêm túc, kẻ từ chối mọi hệ thống, mọi sự rõ ràng - mới thực sự là người nghiêm túc: nghiêm túc với trách nhiệm phát triển thế giới, nghiêm túc với sứ mệnh lao vào cái chưa biết để sáng tạo con người. Câu hỏi lớn của thời James (The Awkward Age) là sự bất khả của bi kịch, của siêu vượt. Nhưng nếu đúng là thế thì phải thế thôi. Giống yêu tinh Puck trong Giấc mộng đêm hè, James tiểu thuyết gia thỏa thích xáo tung thế giới, làm đảo lộn tất cả những gì có vẻ thiêng liêng nhất. “Để làm gì?” có tiếng hỏi. “Để cho vui” - có tiếng trả lời. Nhưng sẽ thật nhầm nếu không thấy đằng sau những quái quỷ ma mãnh ấy là trái tim con người, nỗi khắc khoải con người, niềm thương xót con người. Đó là sự cự tuyệt làm thánh để sống cho đến tận cùng một bi kịch con người - bi kịch của khao khát vô cùng hướng về bất khả.

          Anh Hoa

Tags: Henry James Graham Greene Flaubert Anh Hoa