Khác Đọc

Baudelaire: Madame Bovary của Gustave Flaubert

[Baudelaire, trong địa hạt phê bình, thiên về hội họa hơn (rất nhiều) so với văn chương, trong đó đặc biệt quan trọng là tiểu luận về Constantin Guys và tiểu luận về Eugène Delacroix, có trong Họa sĩ của cuộc sống hiện đại do Xuất bản Khác in. Baudelaire có viết phê bình âm nhạc không? có một lần, khi bình luận âm nhạc của Richard Wagner.

Nhưng Baudelaire cũng có viết phê bình văn học, chẳng hạn về Victor Hugo hay, đặc biệt, về Théophile Gautier. Bài về Madame Bovary dưới đây có tầm quan trọng trên nhiều điểm, đồng thời cũng cho thấy nhiều điều về Baudelaire nhà phê bình văn học.

Ta biết là Baudelaire và Flaubert, tuy nhìn qua thì không có nhiều điểm chung, gần như là “một cặp”, hai nhân vật làm thay đổi văn chương, một người trong thơ và một người trong tiểu thuyết: với họ, văn chương thực sự bước vào pha của hiện đại. Sinh cùng năm, Baudelaire và Flaubert cùng phải ra tòa vì tác phẩm của mình, vào cùng quãng thời gian - cuối thập niên 50 của thế kỷ 19 - sự kiện “kép” khiến cho người ta có thể hiểu, sự hiện đại của văn chương đã được nhận “báp-têm” cho sự ra đời chính bằng sự xét xử của các phiên tòa nhằm vào tính chất vô luân của nó; tất nhiên, tác phẩm của Baudelaire chịu án là tập thơ Les Fleurs du Mal, còn tác phẩm rơi vào cùng cảnh ngộ của Flaubert là cuốn tiểu thuyết Madame Bovary. Đây sẽ là hai tác phẩm có sức sống vô cùng bền bỉ; tận đến ngày hôm nay, chúng vẫn nói với độc giả rất nhiều điều, không hề bị cũ đi; Flaubert và Baudelaire vẫn được con người ngày hôm nay cảm thấy như là những người đồng thời với mình.

Cho nên, khi Baudelaire bình luận Madame Bovary, thì đó là cả một sự kiện: về một số phương diện, không ai có thể hiểu Flaubert hơn so với Baudelaire.

Madame Bovary” của Baudelaire được đăng vào ngày 18 tháng Mười năm 1857 trên tờ tạp chí L’Artiste. Trước đó, ngày 25 tháng Tám năm 1857, Baudelaire báo cho Flaubert biết việc tập thơ Les Fleurs du Mal của mình bị kết án - phiên tòa Flaubert đã diễn ra trước đó, vào đầu năm; Madame Bovary được đăng nhiều kỳ trên báo hai năm trước - và nói thêm vì vụ kiện nên bài của mình định viết về Madame Bovary bị chậm lại.

Ngày 21 tháng Mười cùng năm, sau khi bài báo của Baudelaire đã đăng, Flaubert viết thư cho Baudelaire, nói rằng: “Bài báo của ông khiến tôi vô cùng sung sướng. Ông đã đi được vào những ngóc ngách bí hiểm nhất của tác phẩm, như thể bộ óc của tôi chính là bộ óc của ông. Nó được hiểu và được cảm thấy đến tận cùng.”]

I

Trong địa hạt phê bình, chỗ đứng của nhà văn đến sau tất cả mọi người, của nhà văn muộn màng, chứa đựng các lợi thế từng không có nơi nhà văn tiên tri, kẻ thông báo thành công, kẻ điều hành nó, có thể nói vậy, với uy quyền của sự táo bạo cùng lòng tận tâm.

M. Gustave Flaubert không còn cần đến lòng tận tâm nữa, nếu quả đúng từng có bao giờ ông cần nó. Rất đông nghệ sĩ, và vài người thuộc vào số những người tinh nhất và những người được tin nhiều nhất, đã làm nổi bật và choàng vòng hoa cho cuốn sách tuyệt vời của ông. Như vậy chỉ còn lại cho phê bình mỗi một việc là chỉ ra vài quan điểm bị quên mất, và nhấn mạnh hơn một chút vào các nét cùng các ánh sáng đã không được, theo tôi, tán dương và bình luận một cách đầy đủ. Vả lại, vị thế của nhà văn đến muộn ấy, vốn dĩ bị đẩy ra xa bởi ý kiến, có, như tôi đã tìm cách cố nói, một quyến rũ đầy nghịch lý. Tự do hơn, vì anh ta chỉ có một mình giống kẻ chậm chân, anh ta có dáng vẻ của người tóm tắt những tranh luận và, bị buộc phải tránh các hùng hổ của buộc tội và của biện hộ, anh ta nhận mệnh lệnh phải tự vạch lấy cho mình một con đường mới, mà không có sự kích thích nào khác ngoài sự kích thích của tình yêu Cái Đẹp và Công Lý.

II

Bởi vì tôi đã nói ra cái từ rực rỡ và khủng khiếp ấy, Công Lý, hãy cho phép tôi - thêm nữa, đối với tôi điều này cũng thật dễ chịu - được cảm ơn ngành tòa án Pháp do tấm gương chói ngời về bất thiên ái và gu thượng thặng mà nó đã tỏ ra trong hoàn cảnh này. Bị thúc đẩy bởi một nhiệt tâm mù quáng và quá mức hùng hổ vì luân lý, bởi một tinh thần bị nhầm lãnh địa - bị đặt đối diện với một cuốn tiểu thuyết, tác phẩm của một nhà văn mới hôm trước thôi còn chưa ai biết - một cuốn tiểu thuyết, và một cuốn tiểu thuyết thế nào chứ! bất thiên ái nhất, trung tín nhất - một cánh đồng, tầm thường như tất tật các cánh đồng, bị quật xéo, bị nước tạt, như chính tự nhiên, bởi tất tật gió và tất tật những cơn giông - ngành tòa án, tôi xin nói, đã tỏ ra trung tín và bất thiên ái giống quyển sách bị đẩy ra trước mặt nó làm lễ tế. Và còn hơn thế nữa, chúng ta hãy nói, nếu được phép đặt giả thuyết chiểu theo các nhìn nhận đã đi kèm sự phán xử, rằng nếu những ông quan tòa phát hiện được một điều gì đó thực sự đáng trách trong cuốn sách, thì hẳn họ đã xá tội cho nó, để làm lợi và để tỏ lòng biết ơn VẺ ĐẸP choàng lên nó. Mối lo âu đáng kể dành cho Vẻ Đẹp đó, nơi những con người mà các năng lực chỉ lâm vào cảnh bị buộc tội cho Cái Công Bằng và Cái Đúng, là một triệu chứng thuộc hàng gây nhiều cảm động hơn cả, nếu so với các nỗi thèm muốn cháy bỏng của xã hội này, nó đã từ bỏ lối chung quyết mọi tình yêu thuộc về tinh thần, và nó, lơ là lòng ruột cũ của mình, chỉ còn bận lòng tới nội tạng của nó. Nhìn chung, người ta có thể nói rằng bản án ấy, do khuynh hướng thơ cao vời của nó, đã là chung quyết; rằng chiến thắng đã thuộc về Nàng Thơ, và rằng tất tật các nhà văn, ít nhất là tất tật những người xứng với cái tên ấy, đã được xử trắng án nơi con người M. Gustave Flaubert.

Vậy nên chúng ta đừng nói, như biết bao người khác khẳng định điều đó với một tâm trạng tồi tệ nhẹ dạ và ngoài ý thức, rằng cuốn sách đã có được ân huệ to lớn của nó nhờ phiên tòa và nhờ việc xử trắng án. Cuốn sách, nếu không bị hành hạ, hẳn vẫn giành được cùng sự hiếu kỳ, hẳn nó vẫn tạo ra cũng nỗi kinh ngạc, cùng sự náo động. Vả lại những tán thành của tất tật văn nhân đã thuộc về nó từ lâu. Dưới hình thức đầu tiên của mình, trên tờ Revue de Paris, nơi các cắt xén thiếu thận trọng đã phá hủy đi mất sự hài hòa của nó, nó đã khơi lên một mối quan tâm cháy bỏng. Chỗ đứng của Gustave Flaubert, đột ngột trở nên xuất chúng, vừa tuyệt vời vừa tồi tệ: và cái chỗ đứng khó xác quyết ấy, mà tài năng trung tín và tuyệt vời của ông đã biết cách chiến thắng, tôi xin luộm thuộm mà trình bày những lý do đa dạng.

III

Tuyệt vời; - bởi kể từ khi mất đi Balzac, thiên thạch phi thường sẽ phủ lên đất nước chúng ta một đám mây vinh quang đó, giống một bình minh kỳ quặc và ngoại lệ, như một rạng đông của vùng Cực làm ngập tràn sa mạc bằng các ánh sáng thần tiên của nó - toàn bộ sự hiếu kỳ, liên quan tới tiểu thuyết, đã dịu đi và thiếp ngủ. Những toan tính gây ngạc nhiên đã được thực hiện, cần phải thú nhận điều này. Đã từ lâu, M. de Custine, nổi tiếng, trong một thế giới càng lúc càng thêm thiếu khí, nhờ Aloys, Le Monde comme il est và Ethel - M. de Custine, người tạo ra cô thiếu nữ xấu xí, cái típ mà Balzac rất thèm muốn ấy (hãy xem Mercadet đúng nghĩa [một vở kịch của Balzac]), đã giao phó cho công chúng Romuald ou la Vocation, tác phẩm mang một sự vụng về trác tuyệt, nơi những trang không thể bắt chước vừa làm cho bị kết án lại vừa giải tội cho các uể oải cùng các vụng dại. Nhưng M. de Custine là một tiểu loại của thiên tài, một thiên tài mà dandysme đi lên tới tận lý tưởng của sự lơ là. Ý thức tốt đẹp của nhà quyền quý ấy, sự nồng nhiệt tiểu thuyết ấy, sự nhạo báng trung tín ấy, nhân cách tuyệt đối và hờ hững ấy, là không thể xâm nhập đối với ngũ quan của đoàn lũ, và nhà văn cầu kỳ đó bị toàn bộ vận may tệ hại mà tài năng của ông xứng có được quay ra chống lại mình.

M. d’Aurevilly đã thu hút dữ dội các con mắt nhờ Une vieille maîtresse và nhờ L’Ensorcelée. Sự thờ phụng sự thật đó, được diễn đạt với một nồng nhiệt gây hoảng sợ, đã chỉ có thể khiến đám đông ghét. D’Aurevilly, người Công giáo đích thực, khi khơi lên dục vọng để chiến thắng nó, khi hát, khóc và hét ở giữa cơn giông, như Ajax đứng trên một tảng đá hiu quạnh, và khi lúc nào cũng có vẻ đang nói với đối thủ của mình - con người, sét, thần hoặc vật chất -: “Hãy cướp ta đi, bằng không ta sẽ cướp mi!” cũng đã không thể cắn được vào một loài thiu thiu ngủ mà cặp mắt đã nhắm lại trước các phép mầu của ngoại lệ nữa.

Champfleury, với một tinh thần trẻ con và hấp dẫn, đã chơi nghịch hết sức xuất sắc cái pittoresque, đã chĩa một cái kính hai tròng của thơ (nhiều thơ hơn so với chính ông tưởng) vào các tai nạn cùng ngẫu nhĩ burlesque hoặc gây cảm động của gia đình hoặc của đường phố; nhưng, do độc đáo hoặc do yếu về thị giác, có chủ ý hoặc theo lối định mệnh, ông đã lờ mất ý chung, điểm gặp chung của đám đông, rendez-vous công cộng của sự hùng biện.

Còn gần đây hơn, M. Charles Barbara, tâm hồn nghiêm ngặt và nhiều logic, rất hám danh vị thuộc trí năng, đã có vài nỗ lực nổi bật không thể chối cãi; ông đã tìm (cám dỗ luôn luôn không không thể cưỡng) các miêu tả, làm sáng tỏ những hoàn cảnh ngoại lệ của tâm hồn, và suy diễn các hệ quả trực tiếp từ những vị thế sai. Nếu tôi không nói ở đây toàn bộ cảm tình mà tác giả của Héloïse và của L’Assassinat du Pont-Rouge tạo ra cho tôi, thì đấy là vì ông chỉ thảng hoặc lắm mới đi vào chủ đề của tôi, ở tư cách ghi chú lịch sử.

Paul Féval, được đặt ở phía khác của tầng cầu, tinh thần yêu phiêu lưu, được thiên phú một cách đáng ngưỡng mộ cho cái thô kệch và cái khủng khiếp, đã tiếp bước, như một người anh hùng muộn màng, đằng sau Frédéric Soulié và Eugène Sue. Nhưng những năng lực hết sức phong phú của tác giả Les Mystères de Londres và Le Bossu, cũng như những năng lực của biết bao tinh thần vượt ngưỡng, đã không thể tựu thành phép mầu nhẹ và đột nhiên của người phụ nữ tỉnh lẻ nhỏ bé khốn khổ ngoại tình kia, mà toàn bộ câu chuyện, chẳng hề có chi tiết quái lạ nào, được tạo thành từ các nỗi buồn, các nỗi kinh tởm, các thở dài cùng vài cơn thất thần bừng sốt giật ra từ cuộc sống bị chẹn ngang bởi sự tự sát.

Việc những nhà văn đó, một số quay sang kiểu Dickens, những người khác thì được khuôn theo Byron hay Bulwer, có lẽ được thiên bẩm quá mức, quá nhiều khinh miệt, đã không biết cách, như một Paul de Kock đơn giản, cưỡng đoạt cái bậu cửa ngả nghiêng của Sự Phổ Thông, cái thứ trơ trẽn duy nhất đòi được hiếp dâm, tôi sẽ không phải là người bảo là họ phạm tội - cũng không, vả lại, đi ca ngợi; cũng vậy, tôi không thuận hảo với M. Gustave Flaubert vì đã giành được ngay từ cú đầu tiên cái mà những người khác tìm kiếm cả đời. Nhiều nhất thì tôi sẽ chỉ thấy ở đó một triệu chứng thừa mứa của quyền năng, và tôi sẽ tìm cách định nghĩa các lý do khiến tinh thần của tác giả quay theo một hướng thay vì ngoặt theo một hướng khác.

Nhưng tôi cũng đã nói rằng hoàn cảnh của kẻ mới đến rất tồi tệ; hỡi ôi! vì một lẽ giản dị đến u ám. Từ nhiều năm nay, phần của mối quan tâm mà công chúng dành cho những điều thuộc tinh thần đã giảm một cách dị thường; ngân quỹ cho sự hào hứng của nó lúc nào cũng co chặt lại thêm. Những năm cuối của Louis-Philippe đã chứng kiến các vụ nổ cuối cùng của một tinh thần hẵng còn có thể kích động nhờ những trò chơi của trí tưởng tượng; nhưng tiểu thuyết gia mới đã ở đối diện với một xã hội hoàn toàn mòn xơ - còn tệ hơn là mòn xơ - đần độn và dính nhớp, chẳng có niềm kinh hãi nào khác ngoài kinh hãi sự hư cấu, và tình yêu cho sự sở hữu.

Trong các điều kiện như thế, một tinh thần dồi dào, hào hứng với cái đẹp, nhưng được khuôn định cho một sự đấu gươm mạnh mẽ, đánh giá cả cái tốt lẫn cái tệ của những hoàn cảnh, hẳn đã tự nhủ: "Đâu là phương tiện chắc chắn nhất để khuấy động tất tật các tâm hồn già kia? Trên thực tế chúng đâu biết cái mà chúng yêu; chúng chỉ có độc một nỗi kinh tởm thấy rõ dành cho cái to lớn; dục vọng ngây thơ, cháy bỏng, sự buông bỏ đầy tính thơ khiến chúng đỏ mặt xấu hổ và làm chúng bị tổn thương. - Vậy nên ta hãy thô thiển trong lựa chọn chủ đề, bởi vì việc chọn một chủ đề quá lớn là một điều hỗn láo đối với độc giả của thế kỷ 19. Và cũng phải cẩn thận tránh buông mình, tránh nói cho chính mình. Chúng ta sẽ lạnh băng trong lúc kể các dục vọng cùng những phiêu lưu nơi những kẻ thông thường đặt các nồng ấm của bọn họ vào; chúng ta sẽ, nếu dùng ngôn ngữ trường phái, khách quan và vô nhân xưng.

"Và nữa, vì thời gian vừa rồi tai chúng ta đã bị dần nhừ tử bởi các ba hoa con nít của trường phái, vì chúng ta đã nghe nói đến một thủ pháp văn chương nào đó gọi là thực tại luận - lời sỉ nhục đáng tởm ném vào mặt tất tật những nhà phân tích, cái từ mơ hồ và co dãn muốn nói sự thô thiển, không phải một phương pháp sáng tạo mới, mà là một miêu tả thật tỉ mỉ các thứ phụ liệu - chúng ta sẽ lợi dụng sự rối mù của các tâm trí và sự vô tri phổ quát. Chúng ta sẽ mở rộng một phong cách căng thẳng, pittoresque, tinh tế, chính xác, trên một toan vẽ tầm thường. Chúng ta sẽ nhốt những tình cảm nóng nhất và sôi sục nhất vào cuộc phiêu lưu ngớ ngẩn hơn cả. Những lời trang trọng nhất, những lời quyết định nhất, sẽ vuột ra từ các cái miệng xuẩn nhất.

"Đâu là lãnh địa của sự xuẩn, cái chốn ngu nhất, giàu sức sản sinh những điều vớ vẩn nhất, dồi dào bọn ngẫn khó dung thứ nhất?

"Tỉnh.

"Ở đó đâu là những tác nhân không thể chịu nổi nhất?

"Đám người nhỏ mọn náo động trong những công việc nhỏ nhoi, các ý của bọn họ trở nên giả dối do làm những công việc đó.

"Đâu là dữ kiện mòn nhất, làm điếm nhiều nhất, thứ orgue de Barbarie bị đả phá nhất?

"Ngoại tình.

"Mình không cần, nhà thơ đã tự nhủ, nhân vật nữ chính của mình phải là một nữ anh hùng. Miễn sao cô ta đủ xinh, cô ta cứng rắn, có tham vọng, một khát khao không thể phanh hãm về phía một thế giới cao hơn, cô ta sẽ hấp dẫn. Xảo thuật, vả lại, sẽ càng cao quý hơn, và ít nhất thì người phụ nữ tội lỗi của chúng ta cũng sẽ có công trạng - rất hiếm, nếu đem so sánh - là nổi bật khỏi đám phụ nữ hay ba hoa đầy hào nhoáng của cái thời ngay trước thời chúng ta.

“Mình không cần bận tâm tới phong cách, tới sắp xếp pittoresque, tới miêu tả các giới; mình sở hữu tất tật các phẩm chất ấy ở một sức mạnh quá mức dồi dào; mình sẽ tiến lên bằng cách dựa vào sự phân tích cùng logic, và bằng cách đó mình sẽ chứng tỏ rằng tất tật các chủ đề đều là tốt hoặc tệ, chẳng quan trọng, tùy theo cách thức chúng được xử lý, và rằng bọn thô lậu hơn cả có thể trở nên những kẻ tốt đẹp nhất.”

Ngay lúc đó, Madame Bovary - một vật đánh cuộc, một vật đánh cuộc đúng nghĩa, một món cược, như tất tật những tác phẩm nghệ thuật - đã được tạo ra.

Chỉ còn lại cho tác giả, nhằm hoàn thành toàn bộ xảo thuật của mình, mỗi một việc là tự trút bỏ đi (trong chừng mực có thể) giới của mình và tự biến mình thành phụ nữ. Từ đó mà nảy sinh một điều huyền hoặc: đấy là, mặc cho toàn bộ nhiệt tâm diễn viên của mình, ông đã không thể không tiêm một thứ máu đàn ông vào các tĩnh mạch nơi tạo vật của ông và thế là, madame Bovary, cho những gì ở cô ta hùng mạnh nhất và nhiều tham vọng nhất, và cũng cho những gì lắm mơ mộng nhất, madame Bovary vẫn là một người đàn ông. Giống Pallas mặc sẵn áo giáp mang vũ khí, chui ra từ bộ não của Zeus, androgyne kỳ quặc ấy đã giữ được tất tật những sự quyến rũ của một tâm hồn đàn ông bên trong một cơ thể phụ nữ kiều mỵ.

IV

Nhiều nhà phê bình từng nói: tác phẩm này, thực sự đẹp nhờ sự tỉ mỉ và sự sống động của các miêu tả, không chứa đựng dẫu chỉ một nhân vật đại diện cho luân lý, nói lên ý thức của tác giả. Hắn ở đâu, cái nhân vật trong thành ngữ và trong truyền thuyết, kẻ được giao việc giải thích ngụ ngôn và hướng lối trí năng của độc giả? Nói cách khác, kẻ buộc tội ở đâu?

Quá vớ vẩn! Sự lẫn lộn vĩnh cửu và không thể sửa chữa của các chức năng và các thể loại! - Một tác phẩm nghệ thuật đích thực không cần đi buộc tội. Logic của tác phẩm đủ cho tất tật những đòi hỏi của luân lý, và chính độc giả là người rút ra các kết luận từ kết luận.

Về phần nhân vật thiết thân, sâu sắc, của ngụ ngôn, không thể chối cãi ấy là người phụ nữ ngoại tình; chỉ cô ta, nạn nhân bị mất danh dự, sở hữu tất tật những ân sủng của người anh hùng. - Vừa xong tôi đã nói rằng cô ta gần như giống đực, và rằng tác giả đã trang trí cho cô ta (có lẽ lối ngoài ý thức) bằng tất tật các phẩm chất đàn ông.

Ta hãy xem xét thật chăm chú:

  1. Trí tưởng tượng, năng lực tối cao và đầy bạo chúa, được thế chỗ cho trái tim, hoặc cho cái mà người ta vẫn gọi là trái tim, từ đó thông thường lập luận bị loại bỏ, và là thứ, nhìn chung, thống trị nơi phụ nữ cũng như ở động vật;
  2. Năng lượng hành động đột nhiên, sự nhanh trong quyết định, sự hòa trộn thần bí của lập luận và của dục vọng, thứ đặc trưng hóa cho những đàn ông được tạo ra để hành động;
  3. Sở thích vô chừng mực về quyến rũ, về thống trị và thậm chí về tất tật các phương tiện thô thiển của quyến rũ, đi xuống tận sự lang băm của trang phục, các thứ nước hoa cùng bột rắc - toàn bộ được tóm tắt lại bằng hai từ: dandysme, tình yêu chuyên nhất dành cho sự thống trị.

Và thế nhưng madame Bovary tự trao thân; bị cuốn đi bởi các ngụy biện của trí tưởng tượng ở mình, cô ta tự trao thân một cách tuyệt diệu, đầy hào phóng, theo một cách thức hết sức đàn ông, cho những tên dở người vốn dĩ không ngang hàng với cô ta, chính xác giống các nhà thơ lao thân vào đám giống cái dở người.

Một chứng cứ mới cho phẩm chất hoàn toàn đàn ông, thứ nuôi dưỡi máu thịt của cô ta, ấy là nhìn chung người phụ nữ kém may mắn đó ít lo âu về các sơ suất bên ngoài hiển hiện, về cái sự tỉnh lẻ bốc mùi của chồng mình, hơn so với về sự vắng mặt hoàn toàn của thiên tài kia, về sự thấp kém về tinh thần được nhận ra thật rõ nhờ cuộc phẫu thuật cái chân thọt kia.

Và về chủ đề này, hãy đọc lại những trang chứa đựng épisode ấy, bị coi hết sức bất công là tầm gửi, trong khi nó được dùng để đặt vào ánh sáng thật mạnh toàn bộ tính cách của con người. - Một sự giận dữ đen tối, từ lâu được tập trung lại, bùng nổ trong toàn bộ người vợ Bovary; những cánh cửa sập lại; người chồng sửng sốt, kẻ đã không biết cách mang đến cho người vợ nhiều tính cách tiểu thuyết của mình hân hưởng tinh thần nào, bị lẳng vào phòng ngủ của ông ta; ông ta ăn năn, kẻ thủ ác vô tri! và madame Bovary, con người tuyệt vọng, kêu lên, như một lady Macbeth nhỏ bé bị cặp đôi vào với một viên đại úy nhỏ nhoi: “A! giá như ít nhấtmình cũng là vợ của một nhà bác học già đầu hói lưng còng, mà cặp mắt đeo kính màu lục lúc nào cũng chĩa vào các kho lưu trữ của khoa học! hẳn mình sẽ kiêu hãnh được ở trong vòng tay của ông; hẳn ít nhất mình cũng là bạn đời của một ông vua trí tuệ; nhưng là bạn đời cùng xiềng xích với thằng ngu còn không biết chữa khỏi chân cho một người tàn tật! ôi!”

Người phụ nữ ấy, trên thực tế, hết sức trác tuyệt trong loài của mình, trong môi trường bé nhỏ của mình và trước chân trời bé nhỏ của mình;

  1. Ngay cả trong sự giáo dục tại tu viện kín của madame Bovary, tôi cũng tìm được chứng cứ cho tính khí khó xác quyết của cô ta.

Các ma xơ đã nhận ra nơi cô thiếu nữ đó một khả năng đáng kinh ngạc cho cuộc sống, cho việc tận dụng cuộc đời, cho việc đặt ra những giả thuyết về các hân hưởng từ nó; - đấy là người đàn ông hành động!

Tuy nhiên cô thiếu nữ mê say một cách tuyệt diệu màu của những tranh tường, các sắc phương Đông mà những cửa sổ dài chạm khắc ném lên quyển kinh của cô ta; cô ta nếm hưởng âm nhạc trang trọng của các lễ chiều và, do một nghịch lý theo đó mọi danh dự thuộc về các dây thần kinh, cô ta thế chỗ trong tâm hồn mình vị Chúa đúng nghĩa bằng vị Chúa của phăng te di nơi cô ta, vị Chúa của tương lai và của sự ngẫu nhĩ, một vị Chúa của vignette, với cựa giày cùng bộ ria; - đấy là nhà thơ hysteria.

Hysteria! Tại sao bí ẩn sinh lý học ấy lại không làm nên nền và đáy của một tác phẩm văn chương, bí ẩn đó, mà Viện Hàn lâm Y học còn chưa giải quyết được, và nó, được biểu hiện nơi các phụ nữ nhờ cảm tri về một viên tròn đi lên và gây bức bối (tôi chỉ nói tới triệu chứng chính), được dịch ra nơi những đàn ông căng thẳng bằng tất tật các bất lực và cũng bởi khả năng cho tất tật những quá mức?

V

Nhìn chung, người phụ nữ đó thực sự to lớn, nhất là cô ta thật đáng thương, và mặc cho sự cứng rắn có hệ thống của tác giả, người đã nỗ lực hết sức nhằm vắng mặt khỏi tác phẩm của mình và nhằm thực thi chức năng của một người điều khiển các con rối, tất tật các phụ nữ trí tuệ đều sẽ biết ơn ông vì đã nâng giống cái lên một quyền năng cao vời nhường ấy, thật xa khỏi con vật thuần túy và thật gần với người đàn ông lý tưởng, và vì đã làm cho cô ta được dự phần vào tính cách nhân đôi của tính toán và mơ mộng vốn dĩ là điều tạo dựng con người hoàn hảo.

Người ta nói rằng madame Bovary lố bịch. Quả thật, cô ta đúng là vậy, lúc tưởng đâu là một nhân vật chính của Walter Scott một dạng monsieur - thậm chí tôi sẽ nói một nhà quyền quý ở nông thôn? - mặc những cái gi-lê đi săn và có các thứ phục trang đối chọi! và giờ đây, cô ta lại yêu một tay ký lục chưởng khế bé nhỏ (kẻ thậm chí còn không biết phạm một hành động nguy hiểm cho người tình của mình), và rốt cuộc người phụ nữ khốn khổ kiệt sức, Pasiphaé kỳ cục, bị lẳng vào vòng bao chật hẹp của một ngôi làng, theo đuổi lý tưởng xuyên qua những ồn ã cùng các quán rượu của tỉnh lỵ: - quan trọng gì? chúng ta hãy nói vậy, chúng ta hãy thú nhận như vậy, đấy là một César tại Carpentras; cô ta đang theo đuổi Lý Tưởng!

Chắc chắn tôi sẽ không nói giống cái kẻ Lycanthrope của ký ức nổi loạn, cái kẻ hung hăng đã thoái vị ấy: “Ở trước tất tật những nhàm chán và tất tật những xuẩn ngốc của thời hiện nay, chẳng phải là vẫn còn lại cho chúng ta giấy cuốn thuốc lá và sự ngoại tình à?” nhưng tôi sẽ khẳng định rằng xét cho cùng, tính tổng mọi sự, ngay cả với những cái cân tiểu li, thế giới của chúng ta thật khó nhằn vì đã được sinh ra bởi Đấng Ki-tô, rằng nó chẳng mấy có phẩm chất để có thể ném đá vào sự ngoại tình; và rằng hơn hay kém vài kẻ bị nhốt kín mít sẽ không đẩy nhanh lên tốc độ xoay tròn của các tầng cầu và chẳng làm sự phá hủy cuối cùng của vũ trụ sớm thêm giây nào. - Đã đến lúc cần phải đặt dấu chấm hết cho sự đạo đức giả càng lúc càng lây nhiễm mạnh hơn, và phải gán danh tiếng lố bịch cho những đàn ông và phụ nữ nào, bị thoái hóa tận đến mức tầm phào, hét lên: ơ kìa! trước một tác giả bất hạnh đã hạ cố, với một sự trinh bạch to lớn, ném một tấm khăn choàng vinh quang lên những cuộc phiêu lưu của các cái bàn đêm, lúc nào cũng gây ghê tởm và thô kệch, khi mà Thơ không dùng ánh sáng linh ảo của mình ve vuốt chúng.

Nếu buông mình vào cái triền phân tích này, hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ kết thúc được với Madame Bovary; cuốn sách ấy, có sức gợi ý về cốt yếu, hẳn có thể làm sinh ra cả một tập sách gồm những quan sát. Vào lúc này, tôi sẽ chỉ nêu nhận xét rằng nhiều trong số những épisode quan trọng hơn cả ban đầu đã bị lơ là hoặc bị phỉ nhổ bởi các nhà phê bình. Những ví dụ: épisode cuộc phẫu thuật chân thọt thất bại, và épisode, hết sức đáng kể, vô cùng đầy tràn nỗi hiu quạnh, thực sự hiện đại như thế, nơi người phụ nữ ngoại tình tương lai - bởi cô ta còn mới chỉ ở khởi đầu của mặt phẳng nghiêng, người phụ nữ bất hạnh! - đến tìm sự trợ giúp ở Nhà Thờ, ở Người Mẹ thần thánh, cái người không thể viện cớ nào để không luôn sẵn sàng, ở Hiệu Bào Chế nơi không ai có quyền ngủ quên! Ông cha xứ Bournisien tốt bụng, chỉ chăm chăm bận tâm đến bọn nhõi con đang tập thể dục xuyên qua các bệ cùng ghế của nhà thờ, đầy ngơ ngác đáp lại: “Bởi vì cô bị ốm, madame, và bởi vì M. Bovary là bác sĩ, tại sao cô không tới gặp chồng cô?”

Đâu là người phụ nữ, trước sự nhỏ nhoi đó của cha xứ, mà lại không đi, kẻ điên đã được xá tội, nhúng đầu mình xuống làn nước xoáy của sự ngoại tình - và đâu là cái kẻ trong số chúng ta, vào một độ tuổi ngây thơ hơn và trong các hoàn cảnh nhiều rối loạn, còn chưa gặp phải vị linh mục thiếu năng lực?

VI

Thoạt tiên tôi đã có dự đồ, vì có sẵn hai cuốn sách của cùng tác giả (Madame Bovary và La Tentation de saint Antoine, mà các đoạn còn chưa được nhà xuất bản tập hợp lại), lập ra một dạng song song giữa hai cuốn. Tôi đã muốn thiết lập các phương trình cùng những tương ứng. Hẳn tôi sẽ dễ dàng tìm lại được bên dưới kết cấu tỉ mỉ của Madame Bovary, các năng lực cao vời của mỉa mai và của trữ tình, những gì làm sáng bừng đến rợn người La Tentation de saint Antoine. Ở đây nhà thơ đã không giả trang, và Bovary của ông bị cám dỗ bởi tất tật các quỷ của ảo tưởng, của tà giáo, bởi tất tật những sự tà dâm của vật chất vây xung quanh - tức là thánh Antoine của ông, bị dần cho nhừ tử bởi tất tật các sự điên vây lấy chúng ta, hẳn sẽ được ca tụng nhiều hơn so với hư cấu bourgeois nhỏ bé của cô ta. - Trong cuốn sách đó, mà thật không may tác giả đã mới chỉ giao cho chúng ta những mảnh, có các phần gây thật nhiều choáng ngợp; tôi không chỉ nói tới bữa tiệc phi thường của Nabuchodonosor, tới hiện hình tuyệt diệu của Saba điên rồ nhỏ bé ấy, tiểu cảnh khiêu vũ trên võng mạc một nhà khổ hạnh, tới sự dàn cảnh đầy tính cách lang băm và cường điệu Apollonius de Tyane theo sau là kẻ dẫn đường, hay nói đúng hơn kẻ điều khiển, triệu phú ngu xuẩn bị kéo đi xuyên qua thế giới; - nhất là tôi những muốn thu hút sự chú ý của độc giả lên năng lực gây đau đớn, ngầm và phẫn ấy, thứ băng ngang toàn bộ tác phẩm, cái mạch tối tăm rọi sáng kia - cái mà người Anh gọi là subcurrent - và là thứ được dùng làm người chỉ đường xuyên qua phòng kín đầy quỷ của nỗi cô đơn đó.

Hẳn tôi sẽ rất dễ dàng chỉ ra, như tôi đã nói, rằng M. Gustave Flaubert đã đầy chủ ý phủ khăn che trong Madame Bovary những năng lực trữ tình và mỉa mai cao vời được biểu lộ không chút e dè trong La Tentation, và rằng tác phẩm mới đó, căn phòng bí mật trong tinh thần của ông, lẽ dĩ nhiên vẫn cứ là căn phòng hấp dẫn hơn cả đối với các nhà thơ cùng các triết gia.

Có lẽ một ngày khác tôi sẽ có khoái lạc được hoàn thành cái công việc ấy.

Cao Việt Dũng dịch

Tags: Baudelaire Flaubert Cao Việt Dũng